Ngày 25/7, ông Pan Gongsheng vừa được bổ nhiệm làm Thống đốc NHTW Trung Quốc (PBOC). Là tiến sĩ kinh tế từng học tập và nghiên cứu tại các trường ĐH nổi tiếng Cambridge và Harvard, trước đó từng giữ chức vụ Phó Thống đốc, ông Pang có vẻ giống với những người đứng đầu của các NHTW trên toàn thế giới. Tuy nhiên, tân Thống đốc PBOC được kế thừa 1 di sản hoàn toàn khác biệt so với những người đồng cấp: lạm phát quá thấp chứ không phải quá cao.
Lạm phát 0%
Tháng 6, tỷ lệ lạm phát ở Trung Quốc là 0%. Thậm chí trong quý II, chỉ số giảm phát GDP của nước này (thước đo rộng hơn so với chỉ số giá tiêu dùng CPI) còn giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2009.
Giá cả sụt giảm là mối nguy lớn đối với các nhà hoạch định chính sách. Trong giảm phát, lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm xuống, niềm tin suy yếu trong khi hoạt động vay mượn và đầu tư bị cản trở. Cuối cùng tất cả những điều này lại càng khiến áp lực giảm phát tăng lên.
Sự thiếu vắng lạm phát còn khiến những người đặc biệt quan tâm đến cuộc đua đại chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ đi đến kết luận: giảm phát có thể khiến Trung Quốc không thể soán ngôi Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Bất chấp những khó khăn, kinh tế Trung Quốc vẫn được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay. Trong kịch bản tốt nhất, GDP Mỹ tăng trưởng 2%. Như vậy Trung Quốc sẽ có lợi thế. Nhưng những dự báo này chưa tính đến lạm phát và bỏ qua yếu tố tỷ giá.
Theo Goldman Sachs, tăng trưởng GDP danh nghĩa (tức trước khi điều chỉnh theo lạm phát) của Mỹ có thể vượt 6%. Còn GDP danh nghĩa của Trung Quốc chỉ tăng trưởng 5,5%.
Theo lý thuyết, tỷ lệ lạm phát cao ở Mỹ sẽ khiến đồng USD suy yếu, dẫn đến Trung Quốc có lợi thế khi quy đổi sang USD. Tuy nhiên, trên thực tế thì đồng bạc xanh vẫn mạnh lên. Kết quả là năm thứ 2 liên tiếp GDP Trung Quốc sẽ kém GDP Mỹ sau khi đã quy đổi sang USD. Cũng theo ước tính của Goldman Sachs, GDP Trung Quốc năm 2023 bằng khoảng 67% GDP Mỹ, giảm so với mức 76% trog năm 2021.
Đây là diễn biến khá bất ngờ. Những nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc được cho là không chỉ tăng trưởng nhanh hơn mà giá cả cũng sẽ bắt kịp với làn sóng lạm phát đang bao trùm các nước phát triển. Theo trình tự thông thường, ban đầu các nền kinh tế mới nổi sẽ nghèo hơn và giá cả rất rẻ, nhưng sau đó khi họ giàu lên thì giá cả cũng đắt đỏ hơn, bởi vì đồng nội tệ của họ mạnh lên.
Ví dụ, trong những năm 1960, 1 người Mỹ đi du lịch ở Italy hoặc Nhật Bản sẽ cảm nhận được đồng USD tại các nước này có sức mua lớn hơn so với ở quê nhà. Khi đổi đồng lira và yên sang USD theo tỷ giá thị trường, giá của cùng 1 món đồ sẽ rẻ hơn so với giá niêm yết ở Mỹ. Tuy nhiên, 20, 30 năm sau, khoảng cách đó đã biến mất. Hàng hóa ở Italy và Nhật Bản đều đắt đỏ ngang với ở Mỹ.
Năm 1964, hai nhà kinh tế học Bela Balassa và Paul Samuelson đã đưa ra học thuyết giải thích cho hiện tượng này. Tại các nền kinh tế mới nổi, động lực tăng trưởng GDP chủ yếu đến từ ngành sản xuất và xuất khẩu. Bởi vì sản lượng trên mỗi công nhân tăng lên nhanh chóng, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tăng lương cho người lao động mà không cần tăng giá bán. Hơn nữa toàn cầu hóa tạo nên cuộc chạy đua khốc liệt khiến các công ty khó lòng tăng giá bán.
Trong khi đó, các nền kinh tế phát triển chủ yếu dựa vào dịch vụ - thứ không được giao dịch xuyên biên giới nhiều như hàng hóa và năng suất cũng tăng chậm hơn. Ngành dịch vụ cũng phải liên tục cạnh tranh nhân lực với ngành sản xuất và buộc phải tăng lương để thu hút nhân tài. Kéo theo đó là tăng giá bán. Ví dụ, giá dịch vụ cắt tóc sẽ tăng lên đồng điệu với mức tăng tiền lương của các công nhân làm việc trong ngành sản xuất.
Trung Quốc không thể vượt Mỹ?
Theo số liệu của World Bank, hiện trung bình mức giá ở Trung Quốc chỉ bằng 60% so với mức giá ở Mỹ khi so sánh trên cùng 1 mặt hàng. Ví dụ, ở Trung Quốc 1 chiếc bánh kẹp Big Mac nổi tiếng của chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh Mc Donald’s có giá 24 nhân dân tệ, tương đương 3,35 USD, bằng 63% so với giá 1 chiếc Big Mac ở Mỹ.
Goldman Sachs dự báo đến giữa thập kỷ tiếp theo giá cả ở Trung Quốc sẽ tăng nhẹ so với Mỹ và đó cũng là thời điểm mà GDP của Trung Quốc vượt Mỹ. Nhưng nếu như thay vào đó giá cả ở Trung Quốc vẫn tiếp tục giữ ở mức thấp như hiện tại, GDP Trung Quốc sẽ không bao giờ có thể vượt Mỹ.
Hãng nghiên cứu Capital Economics đặt nhiều niềm tin hơn vào dự đoán ảm đạm này. Theo đó, trong thập kỷ tới tăng trưởng GDP bình quân trên mỗi người lao động Trung Quốc sẽ giảm xuống còn ngang bằng với Mỹ. Nếu Trung Quốc không còn có thể bắt kịp Mỹ về quy mô kinh tế, không có lý do gì để dự đoán giá cả sẽ bắt kịp.
Tuy nhiên, có lẽ kết luận này hơi vội vàng. Lịch sử ghi nhận nhiều trường hợp giá cả ở 1 nền kinh tế tăng nhanh hơn ở Mỹ dù tăng trưởng GDP thấp hơn. Ví dụ, trong những năm 1980 Ireland, Israel và Italy đều rơi vào trường hợp này. GDP bình quân đầu người của họ tăng chậm hơn Mỹ, nhưng giá cả không hề rẻ hơn dù là do tỷ lệ lạm phát cao hơn hay do đồng nội tệ mạnh lên.
Thực chất thì xu hướng này vẫn phù hợp với những lập luận của Balassa và Samuelson. Nếu sự năng động của khu vực sản xuất bị triệt tiêu bởi sự trì trệ của lĩnh vực dịch vụ, quốc gia đó vẫn có thể vừa tăng trưởng nhẹ vừa chứng kiến giá cả đắt đỏ hơn.
Liệu tình trạng không tăng giá của Trung Quốc có kéo dài hơn nữa hay không? Câu trả lời sẽ phụ thuộc không chỉ vào tốc độ tăng trưởng GDP, mà còn dựa vào tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất so với dịch vụ. Để bắt kịp GDP Mỹ, ngoài tăng trưởng thì Trung Quốc còn có 1 nhiệm vụ quan trọng không kém: thu hẹp khoảng cách về giá cả.
Tin mới nhất