Hà Nội sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính: Khẳng định vai trò quan trọng đối với kinh tế cả nước
Hà Nội: Diện mạo mới sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính. Ảnh: TL

Kinh tế Thủ đô giữ vai trò đầu tàu

Sau 15 năm điều chỉnh địa giới theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội, kinh tế Thủ đô giữ vị trí đầu tàu và là động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế của cả nước.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2008 - 2010 (theo quy mô chưa thay đổi) đạt 9,68%/năm. Giai đoạn 2011 - 2022 (theo quy mô GRDP điều chỉnh), GRDP tăng bình quân 6,67%/năm; trong đó, dịch vụ tăng 6,77%; công nghiệp - xây dựng tăng 8,19%; nông nghiệp tăng 2,87%. Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng cao, bình quân giai đoạn 2011 - 2022, GRDP tăng gấp 1,12 lần so với mức tăng chung cả nước.

Du lịch được chú trọng phát triển, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, được xếp hạng trong nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, đứng thứ 15 trong danh sách 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới.

Lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng phát triển lành mạnh. Hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) của thành phố tiếp tục được sắp xếp, cơ cấu lại. Hiện nay, 100% ngân hàng trên địa bàn đã triển khai dịch vụ internet banking, mobibanking, các loại ví điện tử, mở rộng tiện ích thẻ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng... Năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu trên đại bàn đạt hơn 58 tỷ USD (gấp 1,93 lần so với năm 2008). Lạm phát được kiểm soát tốt.

Thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn từ 2008 đến nay, thành phố đều hoàn thành và vượt dự toán thu được trung ương giao. Giai đoạn 2008 - 2022, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô huy động gần 4,04 triệu tỷ đồng, tăng hàng năm 11,04%. Thành phố triển khai nhiều giải pháp, đã thu hút mới trên 4,5 nghìn dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 33 tỷ USD; Các doanh nghiệp FDI đã đóng góp trên 10% thu ngân sách, 11% số lao động trong các doanh nghiệp, 11% vốn đầu tư phát triển toàn xã hội,...

Theo Cục trưởng Cục Thống kê Hà Nội Đậu Ngọc Hùng, các ngành dịch vụ và du lịch đang trên đà phục hồi rất rõ nét, trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế. Điều này cũng phù hợp với định hướng và yêu cầu dịch chuyển cơ cấu kinh tế trên địa bàn. Kinh tế tri thức, kinh tế số ngày càng được chú trọng. Hiện, Hà Nội dẫn đầu cả nước về doanh thu công nghiệp ICT với gần 8.500 doanh nghiệp công nghệ thông tin và có 2/5 khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung của cả nước...

Hà Nội sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính: Khẳng định vai trò quan trọng đối với kinh tế cả nước
TP. Hà Nội đặc biệt quan tâm phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ảnh : TL

Diện mạo nông thôn ngày một văn minh, hiện đại

Bên cạnh điểm nhấn về kinh tế, sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã có bước thay đổi lớn về diện mạo đô thị, nông thôn. Nhiều dự án khu đô thị mới văn minh, hiện đại đã và đang hình thành đã tạo nên không gian đô thị, diện mạo mới cho Thủ đô sau 15 năm phát triển. Nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu được đầu tư, từng bước hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, khép kín.

Dự kiến trong năm 2023, Hà Nội sẽ hoàn thành mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021-2025, với 100% số huyện, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt vừa qua, cùng với các tỉnh liên quan, Hà Nội đã khởi công Dự án đường Vành đai 4 -Vùng Thủ đô Hà Nội. Đây là dự án có tính chất liên vùng đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết số 15–NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội và Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Xây dựng nông thôn mới của thành phố cũng đạt kết quả bước đầu quan trọng, diện mạo nông thôn đổi mới một cách rõ rệt. Thành phố đặc biệt quan tâm phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, đã có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới (còn 03 huyện: Mỹ Đức, Ứng Hoà, Ba Vì đang hoàn thiện hồ sơ); 382/382 (100%) xã đạt chuẩn nông thôn mới; đã có 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Diện mạo nông thôn đổi thay tích cực theo hướng ngày một văn minh, hiện đại, các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống vẫn được lưu giữ và phát huy. Đặc biệt, sau 15 năm sáp nhập, đời sống kinh tế của người dân từ ngoại thành đến nội thành đều từng bước đổi khác, no ấm và hạnh phúc hơn.

Thời gian tới, Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đơn vị liên quan thực hiện tổng kết, đánh giá kết quả thi hành Luật Thủ đô năm 2012 và báo cáo Trung ương xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô. Hoàn thành Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065.

Theo một số chuyên gia, Hà Nội có nhiều tiềm năng, thế mạnh cần phát huy, khai thác có hiệu quả. Trong đó, cần chú trọng phát triển những ngành/lĩnh vực hiện đại phù hợp với định hướng và lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao, bên cạnh những đột phá về cải cách, nâng cao năng lực quản lý, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh.

Ở góc độ tổng thể, được biết, cách đây không lâu, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 7/2/2023 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết cũng đưa ra mục tiêu cụ thể khi đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực, thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm giai đoạn 2021-2025 tăng khoảng 7,5% - 8%; GRDP giai đoạn 2026-2030 tăng 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 8.300-8.500 USD, đến năm 2030 đạt khoảng 12.000 - 13.000 USD.

Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đến năm 2025 đạt khoảng 17%, đến năm 2030 đạt khoảng 20%; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đến năm 2025 đạt khoảng 30%, đến năm 2030 đạt khoảng 40%; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong giá trị sản xuất nông nghiệp đến năm 2025 đạt 70%, đến năm 2030 đạt 80%. Năng suất lao động tăng bình quân đến năm 2025 đạt 7,0-7,5%, đến năm 2030 đạt 7,5%...