Giải ngân vốn đầu tư công: Xóa bỏ tư duy “đầu năm thong thả, cuối năm tất tả”

Thời điểm này, trên khắp cả nước, hàng loạt các dự án, công trình trọng điểm đều đang hối hả thi công đã cho thấy sức nóng trong các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua. Sự hối hả này cũng đang đẩy lùi tư duy vốn đã cố hữu từ rất lâu nay trong giải ngân vốn đầu tư công đó là “đầu năm thong thả, cuối năm tất tả”.


Giải ngân vốn đầu tư công: Xóa bỏ tư duy “đầu năm thong thả, cuối năm tất tả”
TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95%. Trong ảnh: Tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên. Ảnh: TL

Dồn lực cho công tác giải ngân

Theo nhận xét từ Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng năm 2023 đạt 35,49% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (trên 707.044 tỷ đồng), tỷ lệ giải ngân đạt 37,85%, tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (34,47%). Tỷ lệ này báo hiệu cho sự tăng tốc của công tác giải ngân trong những tháng còn lại của năm để đưa đến một kết quả khả quan khi kết thúc năm ngân sách.

Kết quả này cũng cho thấy nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc, nhất là ở khâu giải phóng mặt bằng (GPMB) để đẩy nhanh tiến độ.

Đơn cử như tại Kiên Giang, kế hoạch vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh được phân bổ trong năm 2023 hơn 6.241 tỷ đồng (bao gồm cả 660 tỷ đồng địa phương giao thêm). Đến nay, tỉnh đã phân bổ chi tiết 100% kế hoạch vốn. Ước thực hiện giải ngân đến hết tháng 7 vừa qua tại địa phương đạt trên 32% kế hoạch vốn được giao, tương đương với 2.021 tỷ đồng đã được giải ngân. Tỷ lệ này cũng đã tăng lên nhiều so với tỷ lệ giải ngân của địa phương trong những tháng đầu năm.

Cũng như nhiều địa phương trên cả nước, tỉnh Kiên Giang gặp khó khăn trong công tác GPMB, khan hiếm đá, cát xây dựng… Tuy nhiên, lãnh đạo UBND tỉnh đã rốt ráo, yêu cầu các huyện, thành phố khẩn trương hoàn thành các phương án GPMB của các dự án trên địa bàn, nhất là các dự án trọng điểm; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân trong khu vực dự án sớm di dời, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công triển khai dự án đảm bảo tiến độ.

Tại TP. Hồ Chí Minh, sau khi giải ngân vốn đầu tư công có khởi sắc trong quý II nhờ vào việc chi trên 9.000 tỷ đồng để bồi thường GPMB cho dự án Vành đai 3, trong tháng 7 vừa qua, tình hình giải ngân đã có phần chững lại. Theo đó, tính đến hết tháng 7/2023, địa phương mới giải ngân được 19.135 tỷ đồng, đạt 28% kế hoạch vốn được giao (hơn 70.000 tỷ đồng).

Theo báo cáo của TP. Hồ Chí Minh, một số dự án trọng điểm trên địa bàn đang gặp khó trong công tác GPMB. Cụ thể như dự án mở rộng quốc lộ 50, huyện Bình Chánh còn 118 hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng với diện tích gần 2 ha, đồng thời, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa được di dời xong nên làm chậm tiến độ thi công.

Sau khi kiểm tra, Đoàn giám sát của thành phố đã đề nghị UBND huyện Bình Chánh xử lý dứt điểm các hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng thuộc dự án và sớm bàn giao 100% mặt bằng phục vụ thi công trước ngày 30/6/2023; chỉ đạo ban bồi thường GPMB huyện nhanh chóng triển khai các thủ tục để thực hiện công tác di dời hạ tầng kỹ thuật hoàn thành việc di dời hạ tầng kỹ thuật trước ngày 30/8/2023.

Các dự án trọng điểm quốc gia đều đảm bảo tiến độ giải ngân

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, đến 9/6/2023, công tác GPMB của Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn một số công trình hạ tầng kỹ thuật đang di dời. Đồng thời, lũy kế số vốn ngân sách nhà nước (NSNN) giải ngân đến ngày 30/6/2023 của dự án là 53.758,8 tỷ đồng, đạt 82,1% tổng kế hoạch được giao; trong đó thuộc kế hoạch năm 2023 là 6.282,5/16.889,1 tỷ đồng, đạt 37,2% kế hoạch năm 2023 được giao.

Ước giải ngân đến 31/7/2023 là 55.014,3 tỷ đồng, đạt 84,1% tổng kế hoạch được giao; trong đó thuộc kế hoạch năm 2023 là 7.539 tỷ đồng, đạt 44,6% kế hoạch năm 2023 được giao.

Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt đầu tư 12 dự án thành phần vào ngày 13/7/2022, trong đó giao cho các ban quản lý dự án thuộc bộ làm chủ đầu tư và bàn giao toàn bộ các mốc GPMB cho địa phương vào ngày 30/6/2022 để triển khai thực hiện.

Tổng số vốn đã giải ngân của dự án đến hết ngày 30/6/2023 là 26.593,1 tỷ đồng, đạt 48,6% tổng kế hoạch vốn hàng năm đã giao, trong đó thuộc kế hoạch năm 2023 là 17.450,4/45.226,095 tỷ đồng, đạt 38,6% kế hoạch năm 2023 được giao. Ước giải ngân đến 31/7/2023 là 31.442,7 tỷ đồng, đạt 57,4% tổng kế hoạch được giao.

Đối với 3 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa - Vũng Tàu; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đến thời điểm này, tổng kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 bố trí cho 3 dự án là 13.079,6 tỷ đồng. Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, đến hết tháng 6/2023, có 3 dự án giải ngân được trên 4.187 tỷ đồng, đạt 31,9% kế hoạch năm 2023. Ước giải ngân đết hết tháng 7/2023 là 5.400 tỷ đồng, đạt 41,3% kế hoạch năm 2023…

Tại cuộc họp ngày 1/8, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã đưa ra "tối hậu thư" đối với các dự án hết tháng 7 chưa giải ngân được vốn do nguyên nhân chủ quan sẽ xử lý trách nhiệm cá nhân. Đồng thời, thành phố xem xét điều chuyển, bố trí lại nguồn vốn theo quy định.